Quyết định đầy đau đớn ấy - chấp nhận mình sẽ không bao giờ trở thành
một nhạc sĩ, thậm chí một nhạc công solist - đã khiến tôi nuôi dưỡng thật lâu
dài một cảm giác rất khó tả với âm nhạc, cái cảm giác cho đến giờ vẫn còn sống
động ở đâu đó góc tối tăm nào của tâm hồn. Tôi đặc biệt đồng cảm với Milan
Kundera chủ yếu vì lẽ này: một thái độ vô cùng phức tạp đối với một thứ lẽ ra
đã trở thành sự nghiệp chính yếu của cuộc đời nhưng đã không như vậy, tôi cũng
rất hiểu những khi nhà văn Tiệp viết tiếng Pháp “lên cơn” mà châm biếm hay sổ
toẹt những thứ âm nhạc giống như tiếng ồn láo lếu; xét cho cùng, con người ta
không thoát được một thứ được gọi rất hay là “boutade”, sự hờn dỗi nội tâm
nhiều khi rất dai dẳng. Mà lại không thể đổ lỗi cho ai, càng không thể tự đổ
lỗi cho chính mình. Chúng ta vô can với những gì không xảy ra cơ mà.
Âm nhạc thì giống như
sách vở, nó cần thiết ở mức độ máu thịt, không giống những thứ thiên về thị
giác, như điện ảnh hay hội họa. Âm nhạc cũng như sách vở, nó đặc biệt ở một chỗ
như thế này: vào những lúc tâm hồn ta rách rưới nhất, thảm thê nhất, âm nhạc hoặc
là nâng ta lên hẳn, hoặc dìm ta hẳn xuống đáy. Xuống đến đáy là kết thúc một
chu kỳ, và đời người hẳn có đến lắm chu kỳ; bất hạnh cho những ai có những chu
kỳ tâm lý quá dài.
Thế nên, mặc dù mang trong lòng một tâm trạng vô cùng phức
tạp với âm nhạc, tôi vẫn mang ơn một số loại âm nhạc, vì chúng đã đến vào những
khoảnh khắc rách rưới hơn cả, để hoặc làm tôi phấn chấn, hoặc làm tôi thực sự
hiểu màu đen tối của cuộc đời.
Đó là sự day dứt, những nốt nhạc rời rất cao của Chris Martin
và Coldplay, là tiếng than thở không dứt của Lou Reed hoặc The Velvet
Underground, và nhất là sự vững chãi uy nghi của Bach. Nhạc của Bach giống cái
tuốc nơ vít siết chặt lại những cây đinh lỏng tuột.
Âm nhạc có tương tự chặt với văn chương sách vở như vậy, nên
chỉ văn chương mới xử lý được âm nhạc theo những cách thức đặc biệt nhất, chứ
những bộ phim xoay quanh hai thứ nhạc cụ phổ biến hơn cả, piano và violon, danh
tiếng vang lừng là vậy, nhưng với tôi chẳng hề đủ sức chạm tới những điều sâu
xa.
Tác phẩm văn chương về âm nhạc, miễn không phải là sự to lớn
lãng mạn đượm màu ý thức hệ như “Giăng Kritxtôp” của Romain Rolland, nhiều thứ
đáng nhớ như những bản nhạc gieo sâu đậm nhung nhớ cho độc giả. “Bản xô nát
Kreutzer” của Tolstoy chẳng hạn, rồi ví dụ nhịp điệu nóng nảy tức thở của “Điệu
valse giã từ” của Milan Kundera; vào thời điểm có chủ định kết thúc sự nghiệp
tiểu thuyết gia của mình ấy, hẳn Kundera đã muốn trình bày một “boutade” bằng
cách đặt nhan đề ấy cho cuốn sách, một cách nhìn rất mỉa mai cho toàn bộ sự
nghiệp văn chương tính đến thời điểm đó của bản thân. Rồi rất đáng nhớ nữa là
“The Loser” của Thomas Bernhard, cũng nhiều liên quan đến âm nhạc của Bach.
Nhưng người Anh mới là những bậc “thượng thừa” về âm nhạc:
thế kỷ XX, các ca sĩ và ban nhạc Anh làm nên lịch sử, họ là bậc thầy, cũng
tương tự trong văn chương thế giới, các nhà văn Anh đóng góp không ít bậc thầy.
Một nhà văn Anh (gốc Nhật) tên là Kazuo Ishiguro đã tiếp nối
cả hai truyền thống ấy để viết nên “Dạ khúc. Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm
buông” gồm những truyện ngắn nhiều tính chất khai sáng mà ngôn ngữ có thể dành
cho âm nhạc. Cuốn sách này làm tôi nhớ đến nhiều điều, nhiều kỷ niệm cá nhân,
nhiều cuốn sách khác, nhưng nhất là tôi nhớ đến tác phẩm của một nhà văn Anh
nữa, có lẽ vì một số câu chuyện riêng tư: Nick Hornby và “31 Songs”.
“Dạ khúc” chính là một tâm trạng phức tạp nữa mà văn chương
cống hiến về phía âm nhạc. Âm nhạc của văn chương có lẽ có màu sắc ấy, của đêm
dần buông trên thành phố và những lỡ dở trong cuộc đời.
N.L.