Y,
mượn chữ của cụ Tầm Dương Nguyễn Văn Tâm khi viết về cụ Tản Đà Nguyễn
Khắc Hiếu, là cả “một khối mâu thuẫn lớn”. Mà ngẫm cho kỹ, không mâu
thuẫn cũng không được. Con người không khi nào trùng khít với chính
mình. Có mâu thuẫn thì người ta mới biết rằng mình tồn tại, chẳng phải
thế sao?
Mâu thuẫn đầu tiên của y là mâu
thuẫn giữa “sinh” và “sống”. Sinh ra trong một cái động trên kinh đô
của các vua nhà Đinh, Lê hồi máy bay Mỹ cuồng khấu ném bom bắn phá miền
Bắc. Thời “chuẩn bị sống” thì theo cha mẹ lên tận cao nguyên Nam Trung
Bộ, tỉnh Đắk Lắk, suốt ngày ru rú ở trên chòi rẫy làm thằng canh thú vào
ăn trộm ngô khoai. Sống, chẳng hiểu thế nào y lại sống giữa lòng Sài
Gòn hoa lệ.
Có lẽ bởi thế mà đôi lúc y cứ
ngơ ngơ ngáo ngáo nét mặt và cái nhìn của kẻ man dã bị lạc giữa chốn văn
minh. Sinh ra trong gia đình con nhà thường dân - thuộc vào cái hạng
dân mà ngày xưa hay được các nhà Nho tâm địa tử tế nói tới bằng hai chữ
“xích tử” (con đỏ) với rất nhiều thương hại. Nhưng sống, y lại sống bằng
sách vở, đọc và viết, tóm lại là hành nghề chữ nghĩa. Oái oăm thế.
Vì chẳng mấy con nhà thường dân
nhờ chữ nghĩa mà đổi đời, thoát khỏi phận thường dân. Đã thế, con nhà
thường dân kiêm nghề đọc sách lại nhạy cảm, hay bị rơi vào những đau đớn
rúm ró hàn sỹ, nhất là trong tình trường: “Tiền không là lá em ơi/ Tiền là giấy bạc của đời làm ra/ Người ta giấy bạc đầy nhà/ Cho nên mới được gọi là chồng em” (Nguyễn Bính)…
May thay, vốn ít tin tưởng vào
sự tồn tại của cái gọi là tình yêu ở phe chị em, nên hình như chưa bao
giờ y lâm vào mấy cảnh khốn đốn động cỡn ái tình mà bạn bè văn nghệ của y
thường gặp. Yên bình lấy vợ sinh con. Yên bình làm chồng làm cha. Hiềm
một nỗi cưới phải con một ông trước kia cũng có chút ít tiếng tăm trong
làng văn làng báo Sài Gòn, nhưng sau năm 1975 thì gần như gác bút.
Bố vợ nhìn thấy con rể in sách
kìn kìn xem ra cũng… chạnh lòng. Nhưng chẳng sao, đại tôn sư cỡ Đào Hoa
đảo chủ Hoàng Dược Sư khi thấy “Lạc anh chưởng pháp” vang danh thiên hạ của mình không qua mặt được “Hàng long thập bát chưởng”
của ông con rể Quách Tĩnh đen thùi lũi thì cũng còn nổi cáu kia mà! Mâu
thuẫn thứ hai của y là mâu thuẫn giữa “học” và “hành”.
 |
Nguyễn Danh Lam (phải) và tác giả. |
Lấy được một tý cái gen vẽ vời
của ông bố, y thi vào Mỹ thuật Gia Định, được đào tạo bài bản chính quy ở
đó suốt năm, sáu năm trời. Tưởng ra đời sẽ hành nghề vẽ, thôi không
thành danh họa có tranh bán với giá cao ngất ngưởng thì cũng làm péc phơ
măng khiến thiên hạ phải trầm trồ vì không hiểu gì, không thiết kế mỹ
thuật cho sân khấu điện ảnh thì cũng chuyên chú vẽ bìa sách hoặc minh
họa cho báo chí, trời đất xui khiến thế nào mà rốt cuộc y lại đi làm
phóng viên cho một tờ báo có những mục chuyên chọc cười bọn trẻ con. Tội
nghiệp, y bồi hồi thao thức không yên vì chuyện này.
Ngẫm cũng phải, dẫu gì thì y
cũng từng được luyện trong một cái lò vẽ thuộc vào hàng danh giá nhất
nước cơ mà, dẫu gì thì hồi sinh viên, y cũng được tiếng là một trong
những thằng có tài bậc nhất trường cơ mà. Không lẽ bây giờ đành lòng
chấp nhận miệng tiếng thiên hạ rằng y học vẽ mà không biết vẽ (dù rằng y
vẫn cần mẫn vẽ tại gia, những bức tranh nhì nhằng loạn xạ, nhìn vào chỉ
tổ đau mắt và thêm hoang mang trong lòng)? Vậy nên, y đưa cái học của y
vào… văn chương.
Y viết một cuốn tiểu thuyết
trong đó có nhân vật là một ông họa sỹ già. Ông rất có tài, một nghệ sỹ
đích thực là nghệ sỹ - có nghĩa là không giống với một số không ít họa
sỹ bây giờ, có tranh hợp với khẩu vị hội họa của Tây là cứ thế miệt mài
nhân bản mình ra đem bán.
Ông có nhân cách, trải đời.
Nhưng đến lúc cuối đời lại phải sống ở nước ngoài, tàn tạ héo hon như
một cái cây bị người ta đem trồng ở nơi không hợp thổ nhưỡng. Chịu không
nổi, ông trở về quê hương để rồi bỏ mạng không rõ lý do, thi hài ông
được hỏa táng và được hòa vào với mênh mang sông nước. Đại loại như vậy,
có lẽ đến chết y vẫn sẽ không chịu để nhân vật họa sỹ của mình nhem
nhuốc tầm thường.
Mâu thuẫn nữa của y, trầm trọng
hơn, là mâu thuẫn giữa “nghề” và “nghiệp”. Như đã nói, y sống bằng nghề
làm phóng viên cho một tờ báo có những mục chuyên chọc cười bọn trẻ
con. Y làm việc một cách rất có trách nhiệm. Bài vở bao giờ cũng đầy đủ,
đúng hạn, và đảm bảo đúng tiêu chí. Tóm lại là y không để bản thân mình
phải thấy hổ thẹn với đồng lương được nhận từ tòa báo. Nhưng đó là
nghề, một thứ nghề mà đôi lúc phát phẫn, y gọi tên nó bằng cụm từ không
được nhã cho lắm: “chùi mông cho bọn con nít”. Nghiệp của y là viết.
Viết văn.
Cái nghiệp này có lẽ mọc mầm từ
lúc y “chuẩn bị sống”, tức là từ lúc y làm thằng canh thú trên rẫy. Khi
ấy, trong giai đoạn mà y gọi là kinh hoàng ấy, đói mờ mắt nên y ra sức
ngốn ngấu văn học cổ điển Pháp, Nga, Trung từ tủ sách mấy trăm cuốn của
ông bố, cái tủ sách ông luôn gìn giữ và mang theo bất chấp những tao
loạn của thời cuộc. Tolstoi, Dostoievski, Turghenev, Balzac, Hugo, La
Quán Trung, Ngô Thừa Ân, Thi Nại Am, Lỗ Tấn… y xơi bằng sạch.
Chữ nghĩa có ma lực thật kinh
khiếp hãi hùng. Nó khiến người ta có thể sống và chết. Nó gieo những hạt
giống mơ ước trong tâm hồn con nhà thường dân đọc sách. Về Sài Gòn, y
viết. Bắt đầu bằng những bài thơ đau buốt mối tình học trò. Nhưng cái
giai đoạn ngây thơ đẫm đìa ướt át ấy qua rất nhanh. Y là người của văn
xuôi.
Một thứ văn xuôi ngay từ đầu đã
bỏ qua trình độ sao chép hiện thực mắt thấy tai nghe. Một ít hiện sinh,
một ít kỳ ảo, một ít hậu hiện đại và vài ba thứ gia vị khác mà tỷ lệ
pha trộn tùy theo hứng thú từng lúc, y “sản” ra cho đời những Bến vô thường (tiểu thuyết), Giữa vòng vây trần gian (tiểu thuyết), Mưa tháng mười một (tập truyện ngắn), Giữa dòng chảy lạc (tiểu thuyết).
Với cái tiểu thuyết Giữa dòng
chảy lạc, chính là tiểu thuyết có nhân vật ông họa sỹ già đã nói, y ăn
giải chính thức về văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam
năm 2010. Trước đó, truyện ngắn có tên Đất của y được giải nhì cuộc thi
truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2006 - 2007. Nghĩa là vừa có tiếng, vừa có
miếng. Và tất cả những sản phẩm của nghiệp văn chương này, y đều tạo
tác trong khoảng rỗi rãi của thời gian làm nghề báo, tất nhiên, phải trừ
đi khoảng thời gian y ngồi quán nhậu.
Ấy thế nhưng không khí quán
nhậu cũng có cái hay của nó. Nhậu với bạn bè văn nghệ, y được tha hồ nói
về Milan Kundera, Coetzee, Naipaul, Murakami, Mạc Ngôn, Lý Nhuệ… những
tác giả văn chương đương đại nổi tiếng thế giới mà y đọc không bỏ sót.
Nói, như một sự nhận thức lại, cụ thể hơn. Y bảo Milan Kundera như một
thợ kim hoàn đầy tinh xảo trong cái viết, còn nghệ sỹ đích thực phải là
Murakami.
Y bảo Mạc Ngôn viết hay, nhưng
là cái hay của một anh nông dân viết văn; trí thức viết văn và viết văn
đầy trí thức phải là Lý Nhuệ. Ngồi nhậu với y, tai ta trở nên bùng nhùng
vì những khái niệm của triết lý hiện sinh. Và nhất là, ta cứ ngớ ra khi
y sung sướng vì ông thi sỹ khùng - thiên tài Bùi Giáng không chấp nhận
cách các nhà nghiên cứu hàn lâm dịch một khái niệm quen thuộc như “Sein”
trong tiếng Đức thành “Tồn tại” hay “Hữu thể”, mà lại dịch là “Lù lù
vật thể lai rai”.
Có lẽ vì thế mà sách của y,
truyện ngắn và tiểu thuyết của y, cứ tồn tại theo kiểu “lù lù vật thể
lai rai” trong cái đọc của người đọc. Chẳng hiểu y viết cái gì, nhưng
cũng thấy… hay hay. Những nhân vật cứ chập chờn, chấp chới nửa khôn nửa
dại, nửa mê nửa tỉnh, nửa tinh nửa lú trong sách của y, đôi khi, chính
là cái Ta giữa cuộc đời đầy nhọc mệt này. Trót sinh ra làm người, chẳng
biết làm sao nữa, cứ thế phải sống với phận người cho đến suốt kiếp! Đọc
sách y, ta nghe thấy một tiếng thở dài đồng vọng với những nỗi niềm của
chính mình…
Ấy vậy mà y rất sung sướng với
chuyện đẻ con. Y triết lý: Con cái chính là sự nối dài của ta trong mai
hậu. Không thể hiểu nổi? Ta là con cái nhà thường dân đọc sách, danh giá
gì mà cần đến sự nối dài trong mai hậu? Vả lại, sống trên cõi đời vô
thường hết sức này, khi mà chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, mất mùa,
đói kém cứ luôn rập rình hăm dọa con người, ai dám chắc rằng mình sẽ đảm
bảo đứa trẻ do mình sinh ra được sống một cuộc sống an lành hạnh phúc,
được tồn tại đúng tư thế một con người? Chẳng bảo sao cả, trung thành
với triết lý của mình, y giúp vợ đẻ liền một trai một gái, cả hai đẹp
như tranh vẽ (không biết rồi sau này có đứa nào sao lại cái bản chính
gàn dở như y hay không nữa?).
Xong trách nhiệm rồi, giờ thì y
yên tâm làm việc của mình. Cả đêm y thức để làm báo, viết văn, xem
phim, nghe nhạc. Sáu, bảy giờ sáng y mới đi ngủ. Một, hai giờ chiều y
thức giấc, xem như là lúc bắt đầu của một ngày. Cái lịch biểu sinh hoạt
kiểu ấy chẳng phải đã phần nào đặt y ở phía bên kia của đám chúng sinh
đó sao? Nhưng xét cho cùng, cũng chẳng hại gì đến ai cả.
Y, bút danh nhiều vô kể. Nhưng
tên cúng cơm thì chỉ có một (đương nhiên), một cái tên rất hợp với cái
thời mà người ta coi du lịch như một mũi nhọn phát triển kinh tế: Nguyễn
Danh Lam